banner
English
Tiếng Việt

Virus H5N6 lây từ gia cầm sang người

Cập nhật: 11/02/2020
Lượt xem: 9234

Virus H5N6 lây nhiễm từ gia cầm cho người qua dịch tiết ở mũi, miệng gia cầm bệnh, song không lây từ người sang người.

Gần 30.000 con gà, vịt ở Thanh Hóa và Hà  Nội ngày 10/2 bị tiêu hủy do nhiễm cúm gia cầm H5N6. Các chuyên gia y tế cảnh báo cúm H5N6 có thể lây truyền cho người.

Cúm gia cầm là một loại bệnh cúm do virus từ các loài gia cầm (hay chim) gây ra, có thể xâm nhiễm một số loài động vật có vú. Virus này được phát hiện lần đầu tiên là tại Ilaly vào đầu thập niên 1990, hiện xuất hiện ở hầu hết các nơi trên thế giới.

Virus cúm gia cầm có tên khoa học là avian influenza (AI) thuộc nhóm virus cúm A họ Orthomyxciridae.

H5N6 là một phân nhóm có khả năng gây nhiễm của virus cúm gia cầm. Chủng H5N6 được xem là loại cúm gia cầm có khả năng gây bệnh thấp, từng được tìm thấy trên các loài chim hoang dã ở Đức, Thụy Điển và Mỹ. H5N6 cũng được tìm thấy trong những con chim di trú ở Đài Loan.

Cúm gia cầm có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài như gà, vịt, ngan, chim cút... gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho người chăn nuôi.

Cúm gia cầm H5N6 chưa ghi nhận trường hợp nào lây từ người sang người. Ảnh: SBS

Cúm gia cầm H5N6 chưa ghi nhận trường hợp nào lây từ người sang người. Ảnh: SBS

Tiến sĩ Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, cúm gia cầm H5N6 có thể lây sang người và gây tử vong.

Tháng 5/2014, Trung Quốc thông báo ca nhiễm bệnh và tử vong đầu tiên do phân nhóm cúm gia cầm H5N6. Bệnh nhân 49 tuổi ở tỉnh Tứ Xuyên trước khi tử vong đã tiếp xúc với gia cầm chết và được chẩn đoán viêm phổi với các triệu chứng sốt, ho, đau đầu, qua đời vào ngày thứ 10 sau khi phát bệnh. Các xét nghiệm sâu cho thấy bệnh nhân nhiễm H5N6.

Virus H5N6 lây truyền từ gia cầm sang người qua tiếp xúc với phân hoặc từ các dịch tiết ở mũi, miệng hoặc mắt gia cầm bị nhiễm bệnh. Nguyên nhân dẫn đến bùng phát dịch là do các vấn đề liên quan đến xử lý gia cầm bị nhiễm bệnh chưa thực hiện tốt.

Virus cúm A H5N6 có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, như ăn phải gia cầm và các sản phẩm gia cầm bị bệnh trong quá trình chế biến, nấu nướng không chín, ăn tiết canh. Vệ sinh cá nhân không tốt, bàn tay không sạch cũng tạo điều kiện cho việc mắc cúm A H5N6. Các khu chợ đông hoặc nơi bán mất vệ sinh là nơi virus dễ truyền bệnh sang cộng đồng.

Theo tiến sĩ Nghĩa, cúm H5N6 lây từ gia cầm sang người nhưng chưa ghi nhận trường hợp lây từ người sang người. Việc theo dõi, giám sát diễn biến bệnh cần được thực hiện chặt chẽ để có ứng phó kịp thời khi dịch bùng phát trên gia cầm.

Các chủng virus cúm A H5N1, H5N6... cư trú trong những tế bào nằm sâu trong phổi, không thể gây nhiễm ở đường hô hấp trên và không lây lan qua động tác ho hoặc hắt hơi như các loại virus cúm khác. Điều này lý giải tại sao đường lây truyền người - người của loại virus cúm gia cầm này đến nay vẫn chưa xảy ra.

Hiệp hội quốc tế về bệnh truyền nhiễm ProMED-mail cho rằng ca tử vong vì H5N6 ở Trung Quốc là đơn lẻ và nguy cơ lây truyền từ người sang người là thấp. Những người từng tiếp xúc với bệnh nhân 49 tuổi trên đều không có triệu chứng nhiễm bệnh sau khi được xét nghiệm và theo dõi.

Trong điều trị, các mẫu bệnh phẩm dạng chất lỏng từ mũi hoặc cổ họng của người bệnh được lấy để kiểm tra, xét nghiệm có chứa virus H5N6 hay không. Hiện nay, nhiều loại virus cúm gia cầm đã kháng với một loại thuốc chống virus như amantadine và rimantadine (Flumadine). Các quan chức y tế khuyến cáo nên sử dụng oseltamivir (Tamiflu) hoặc zanamivir (Relenza). Những loại thuốc này phải được sử dụng kịp thời khi có triệu chứng nhiễm bệnh.

Để chủ động phòng, chống, các địa phương tăng cường giám sát, điều tra phát hiện sớm các ổ dịch, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhập lậu gia cầm, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm. Khi phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm A/H5N6 ở người cần thông báo kịp thời tình hình dịch cho ngành y tế để phối hợp giám sát phát hiện.

Ngành y tế cần chú ý giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trên người, đặc biệt nơi có ổ dịch cúm gia cầm. Với trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính hoặc viêm phổi nặng, có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm chết thì cần lưu ý lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.

Để đảm bảo an toàn, các hộ chăn nuôi cần tiêm phòng cho gia cầm. Các chủng của virus cúm gia cầm có thể lây nhiễm cho nhiều loại động vật khác nhau, lan truyền nhanh từ trại chăn nuôi này này sang trại chăn nuôi khác... Giải pháp tiêu hủy toàn đàn với gia cầm là biện pháp hiệu quả để ngăn chặn sự lan truyền virus từ gia cầm qua người. Ngoài ra, tức ăn từ gia cầm cần được làm sạch và nấu chín kỹ. Nếu cơ thể có biểu hiện cúm như ho, sốt, mệt mỏi... nhất là sau khi bạn đi đến quốc gia hoặc khu vực có dịch cúm, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. 

Theo Thúy Quỳnh - VnExpress

TIN TỨC ĐƯỢC QUAN TÂMXem thêm
k-sMaB5ltYI video2444
Làm đệm lót sinh thái chuồng trong chăn nuôi gà
Chọn liên kết website
Đăng ký nhận tin
Đăng ký
Bản quyền website thuộc về HỘI LIÊN LẠC VỚI NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI. bảo lưu mọi quyền lợi.
Đang online: 2
|
Tổng số truy cập: 1.640.385
TẠP CHÍ KHOA HỌC KỸ THUẬT THÚ Y
Địa chỉ: 86 Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (04) 3869 1082  - Email: vva.hty@gmail.com - Website: tapchi.hoithuyvietnam.org.vn
 
 
CHIA SẺ MẠNG XÃ HỘI
Thiết kế website SEO - Tất Thành