banner
English
Tiếng Việt

KHẢO SÁT HIỆU QUẢ MIỄN DỊCH SAU TIÊM PHÒNG VACXIN DẠI TRÊN ĐÀN CHÓ NUÔI TẠI THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Cập nhật: 13/06/2012
Lượt xem: 583

Chó giống ngoại (73,80%) cho tỷ lệ bảo hộ cao hơn so với chó giống nội địa (60,07%). Tỷ lệ bảo hộ không bị ảnh hưởng bởi giới tính của chó.

Từ khóa: Chó, vacxin dại Rabigen®mono, tiêm chủng, hiệu quả miễn dịch, Cần Thơ.

 I.                   ĐẶT VẤN ĐỀ

Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do lyssavirus gây ra ở nhiều loài động vật máu nóng và người, thường dẫn tới Chó giống ngoại (73,80%) cho tỷ lệ bảo hộ cao hơn so với chó giống nội địa (60,07%). Tỷ lệ bảo hộ không bị ảnh hưởng bởi giới tính của chó.tử vong 100% khi đã có biểu hiện triệu chứng. Nguồn mang mầm bệnh chủ yếu là chó (90%), mèo nuôi (5%) và động vật hoang dã (http://vbqppl.moj.gov.vn). Có khoảng 95% - 97% người bị bệnh dại chủ yếu là do chó dại cắn và 90% số trường hợp tử vong là do chó hay mèo cắn hoặc cào (http://www.ykhoanet.com

). Do vậy, tiêm chủng vacxin phòng bệnh dại cho chó là một biện pháp phòng bệnh mang tính quyết định nhằm ngăn ngừa sự truyền lây virut dại từ chó sang người.

Thành phố Cần Thơ có lượng chó nuôi ngày càng nhiều, do đó việc tiêm phòng vacxin cho chó nuôi là một biện pháp mang tính chìa khóa để bảo vệ sức khỏe vật nuôi và sức khỏe cộng đồng. Hằng năm chó được tổ chức tiêm phòng đại trà hai đợt và thường xuyên được bổ sung theo yêu cầu của gia chủ. Tuy vậy, khả năng bảo hộ cho chó sau tiêm phòng và ảnh hưởng của một số yếu tố đối với đáp ứng kháng thể chưa được đánh giá…Đề tài này được thực hiện nhằm mục đích khảo sát đáp ứng kháng thể của chó sau khi tiêm phòng vacxin dại Rabigen®mono, cần thiết cho việc đánh giá hiệu quả  của qui trình tiêm phòng vacxin dại hiện hành.

 

II.VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

 

2.1.      Vacxin

Vac-xin  dại chó (Rabigen®mono) lọ 10 liều do công VIRBAC sản xuất. Theo nhà sản xuất, vacxin chế từ Rabies virus, chủng PV 12 với chất bổ  trợ Al(OH)3, nồng độ kháng nguyên đậm đặc gấp 3 lần so với yêu cầu của WHO, có độ dài miễn dịch 3 năm và có thể sử dụng cho chó dưới 3 tháng tuổi. Liều lượng vacxin

 và phương pháp tiêm chủng thực hiện theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.

 

2.2.            Thu thập mẫu huyết thanh chó

   -  Mẫu huyết thanh của chó được lấy sau tiêm phòng từ 21 ngày trở đi.

   - Cỡ mẫu được tính dựa vào phần mềm Win Episcope 2.0 với tỷ lệ bảo hộ ước lượng là 70%, độ tin cậy 95%. Dựa trên kết quả tính toán, số lượng mẫu cần xét nghiệm  là 480 mẫu,  bao gồm nội thành 108 mẫu, vùng ven 156 mẫu và ngoại thành  216 mẫu.

 

    - Trong quá trình lấy mẫu tiến hành điều tra thu thập thêm những thông tin về  địa chỉ, lứa tuổi, giống, giới tính, thời điểm tiêm chủng gần đây  nhất… từ những chó được tiêm phòng ở các quận, huyện.

 

2.3 Phương pháp xét nghiệm

Xét nghiệm ELISA được sử dụng để xác định hàm lượng kháng thể, sử dụng bộ kit PLATELIA®RAGE-BIO-RAD (Mỹ), quy trình thực hiện theo sự hướng dẫn của nhà sản xuất, phản ứng được đọc ở bước sóng đôi l = 450nm và l = 620nm.

Xét nghiệm chỉ có giá trị khi ODđối chứng âm < 0,05 và 0,3 ≤ODđối chứng dương ≤1,2 (OD: Optical Density – mật độ quang)

Hàm lượng kháng thể dại trong mẫu được xác định bằng cách so sánh OD mẫu xét nghiệm với OD mẫu chuẩn.

Giá trị ngưỡng bằng giá trị trung bình ODđối chứng dương và trên 0,5 EU/ml (EU: ELISA Unit – đơn vị ELISA)

 

Những mẫu huyết thanh có hàm lượng kháng thể ³ 0,5 EU/ml huyết thanh được xem là bảo hộ, theo tiêu chuẩn của OIE (Jakel et al, 2008).

 

2.4 Phương pháp xử lý số liệu

Phần mềm MS-Excel được sử dụng để tính toán các số liệu và phần mềm Minitab 13.0 để so sánh các tỷ lệ, các số trung bình hàm lượng kháng thể.

 

III.  KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

3.1. Kết quả khảo sát huyết thanh học từ đàn chó sau đợt tiêm chủng vacxin

Kết quả khảo sát kháng thể kháng dại từ 480 mẫu huyết thanh thu thập ngẫu nhiên từ chó đã được tiêm chủng vacxin Rabigen®mono ở 9 quận, huyện thuộc thành phố Cần Thơ bằng phương pháp ELISA được trình bày ở bảng 1.

 

Bảng 1. Kết quả khảo sát huyết thanh học ở đàn chó sau tiêm chủng vacxin dại

 

 Các thông số khảo sát

 

Nội thành*

 

Ven nội thành**

 

Ngoại thành***

 

Chung

Hiệu giá KT trung bình

[±SE(1) UI/ml (2)]

1,690 ± 1,115

1,530 ± 0,919

1,415 ± 0,813

 

1,520± 0,873

Khoảng dao động

(Min-Max, UI/ml)

0,412 – 2,515

0,235 – 2,278

0,422 – 1,916

 

0,235 – 2,515

Số mẫu có HGKT

≥0,5 UI/ml

81/108

103/156

130/216

 

314/480

Tỷ lệ mẫu có HGKT

≥0,5 UI/ml

 

75,5a

 

66,03ab

 

60,19b

 

65,42

 

 

Chú thích: (1)±SE: Hàm lượng kháng thể trung bình ± sai số chuẩn.

 

                            (2) ELISA Unit (tương đương với International Units (IU)).

 

                         Những giá trị cùng cột mang chữ số mũ khác nhau sai khác có ý nghĩa (P≤0,05)

        *       Nội thành: Q.Ninh Kiều,      **    Ven nội thành: Q.Cái Răng và Q.Bình Thủy,

***   Ngoại thành: Huyện  Ô Môn, Thới Lai, Cờ Đỏ, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh và Phong Điền

Các số liệu ở bảng 1 cho thấy tỷ lệ chó sau tiêm phòng có lượng kháng thể trong huyết thanh ≥0,5 UI/ml, nghĩa là  đạt mức có thể bảo hộ đối với bệnh dại, chiếm 65,42%, gần đạt yêu cầu về tỷ lệ chó có mức kháng thể bảo hộ trên tổng đàn do Cục thú y đề ra (trên 70%). Hàm lượng kháng thể trung bình đạt mức khá cao (1,520 UI/ml), nhưng biên độ dao động khá rộng, nằm trong khoảng 0,235-2,515 UI/ml.

Tỷ lệ chó đạt mức kháng thể bảo hộ ở  khu vực nội thành (75,5%) cao hơn hẳn ngoại thành (60,19%). Hàm lượng kháng thể trung bình (HGKTTB) cũng như biên độ dao động của mức kháng thể (Min-Max) đo được từ các mẫu huyết thanh chó thu nhận ở quận nội thành (1,690 và 0,412-2,515 UI/ml) cũng cao hơn ở các huyện ngoại thanh (1,415 và 0,422-1,916 UI/ml). Các số liệu khảo sát ở các mẫu huyết thanh chó thu thập ở vùng ven thành phố nằm trung gian giữa nội và ngoại thành.

Mặc dù hiệu giá kháng thể kháng dại trung bình và tỷ lệ đạt mức kháng thể bảo hộ ở những chó khảo sát khá cao, nhưng dao động của mức kháng thể đo được giữa các cá thể chó khá lớn. Ngoài chất lương vacxin và phương pháp tiêm chủng, còn có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới hiệu quả miễn dịch sau tiêm chủng vacxin dại.  Những khảo sát tiếp theo nhằm đánh giá vai trò lứa tuổi, giống, giới tính và thời điểm lấy mẫu có ảnh hưởng như thế nào tới hiệu quả tiêm phòng vacxin dại cho đàn chó ở thành phố Cần Thơ.

 

 

3.2 Khảo sát ảnh hưởng của một số yếu tố tới hiệu quả tiêm chủng

            Dựa vào kết quả điều tra trong quá trình lấy mẫu, chúng tôi đã khảo sát hàm lượng kháng thể ở các nhóm chó theo lứa tuổi, giống, giới tính, địa bàn và thời điểm lấy mẫu sau tiêm chủng. Ngoại trừ các kết quả về tỷ lệ chó đạt mức kháng thể bảo hộ theo khu vực lấy mẫu đã được thể hiện ở bảng 1, các kết quả thể hiện ảnh hưởng của những yếu tố khác được tập hợp ở các bảng 2, 3, 4 và 5.

 

 

3.2.1 Ảnh hưởng của lứa tuổi

Các số liệu ở bảng 2 cho thấy tỷ lệ chó có mức kháng thể bảo hộ sau tiêm phòng tăng theo lứa tuổi, thấp nhất ở những chó dưới 6 tháng tuổi và cao nhất ở chó trên 12 tháng tuổi. Sự  khác biệt này càng rõ ràng và có ý nghĩa so sánh về mặt thống kê ở những chó được tiêm chủng vacxin có độ tuổi lớn hơn 12 tháng (P=0,003).

 

Bảng 2. Kết quả khảo sát tỷ lệ bảo hộ ở chó sau tiêm phòng theo lứa tuổi

 

Lứa tuổi

 

Số mẫu

 

huyết thanh

 

Số mẫu đạt mức kháng thể bảo hộ

 

Hàm lượng kháng thể (EU/ml)  ±SE

 

Tỷ lệ bảo hộ (%)

< 6 tháng

58

30

0,860 ± 0,099

 

51,72a

6-12 tháng

128

73

2,545 ± 1,312

 

57,03a

> 12 tháng

294

211

2.219 ± 1,299

 

71,77b

 

Những giá trị cùng cột mang chữ số mũ khác nhau sai khác có ý nghĩa (P≤0,05)

 

 

3.2.2 Ảnh hưởng của nhóm giống

Kết quả khảo sát mức kháng thể sau tiêm phòng theo nhóm giống (bảng 3) cho thấy nhóm chó giống ngoại nhập thường có mức kháng thể đo được và tỷ lệ chó đạt mức kháng thể bảo hộ cao hơn chó có nguồn gốc địa phương (P=0,002).

 

Bảng 3. Kết quả khảo sát tỷ lệ bảo hộ ở chó sau tiêm phòng theo giống

 

 

 

Giống

 

Số mẫu

 

Huyết thanh

 

Số mẫu dạt mức kháng thể bảo hộ

 

Hàm lượng kháng thể (EU/ml)±SE

 

Tỷ lệ bảo hộ

 

(%)

Giống nội địa

293

176

2.015 ± 1,214

 

60,07a

Giống ngoại nhập

187

138

2,319 ± 1,192

 

73,80b

 

Những giá trị cùng cột mang chữ số mũ khác nhau sai khác có ý nghĩa (P≤0,05)

 

 3.2.3 Ảnh hưởng của giới tính

Kết quả khảo sát đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng dại của chó xét theo giới tính được trình bày trong bảng 4.

Bảng 4. Kết quả khảo sát tỷ lệ bảo hộ ở chó sau tiêm phòng theo giới tính

 

GiớI tính

 

Số mẫu

 

khảo sát

 

Số mẫu đạt mức kháng thể bảo hộ

 

Hàm lượng kháng thể (EU/ml) ±SE

 

Tỷ lệ bảo hộ

 

(%)

     Đực

221

136

2,162 ± 1,139

 

61,54a

     Cái

259

178

2,114 ± 1,094

 

68,73a

 

Những giá trị cùng cột mang chữ số mũ khác nhau sai khác có ý nghĩa (P≤0,05)

Số liệu ở bảng 4 cho thấy mặc dù hàm lượng kháng thể đo được tương đương nhưng tỷ lệ đạt mức kháng thể bảo hộ của nhóm chó đực (61,54%) có khuynh hướng thấp hơn nhóm chó cái (68,73%). Tuy vậy sự khác nhau này không có ý nghĩa về mặt thống kê (P>0,05).

 

3.2.4.Ảnh hưởng của thời điểm lấy mẫu

 Kết quả khảo sát tập hợp ở bảng 5 cho thấy hàm lượng kháng thể kháng dại và tỷ lệ chó đạt mức kháng thể bảo hộ giảm dần theo thời gian sau tiêm phòng. Khác biệt này khá rõ ràng và có ý nghĩa về mặt thống kê (P<0,01). Tại thời điểm lấy mẫu nằm trong khoảng 6 tháng đầu sau mũi tiêm phòng, hàm lượng kháng thể trung bình đo được ở đàn chó là 2,274±1,288 UI/ml và tỷ lệ chó được bảo hộ là 79,80%, sau 6 - 12 tháng thì hàm lượng và tỷ lệ này giảm xuống còn 1,799±1,278 EU/ml và 52,25%. Nếu lấy mẫu sau mũi tiêm phòng cuối cùng trên 12 tháng thì tỷ lệ chó đạt mức kháng thể  bảo hộ chỉ còn 12,28%, tương ứng với hàm lượng kháng thể trung bình là 0,729 EU/ml. Kết quả trên cho thấy hàm lượng kháng thể kháng dại sau khi tiêm chủng giảm nhanh hơn so với tài liệu khuyến cao của nhà sản xuất vacxin.

Bảng 5. Kết quả khảo sát tỷ lệ bảo hộ ở chó sau tiêm phòng theo thời gian

 

 

 

Thời gian sau

 

tiêm phòng

 

Số chó khảo sát

 

Số chó đạt mức kháng thể bảo hộ

 

Hàm lượng kháng thể (EU/ml) ±SE

 

Tỷ lệ

 

bảo hộ (%)

< 6 tháng

312

249

2,274±1,288

 

79,80a

6-12 tháng

111

57

1,799±1,278

 

52,25b

> 12 tháng

57

9

0,729±0,093

 

12,28c

 

Những giá trị cùng cột mang chữ số mũ khác nhau sai khác có ý nghĩa (P≤0,05)

 

   

3. 3 Thảo luận

Tiêm chủng phòng bệnh dại ngày càng được ngành thú y và những người nuôi chó cùng quan tâm thực hiện. Đàn chó nuôi tại thành phố Cần Thơ hàng năm được tiêm chủng đại trà vacxin phòng dại 2 lần và ngoài ra còn được chủng ngừa bổ sung  theo yêu cầu của gia chủ. Tuy nhiên việc giám sát hiệu quả miễn dịch của những chương trình tiêm chủng này chưa được chú trọng. Khảo sát này nhằm mục đích đánh giá hiện trạng miễn dịch phòng dại của đàn chó nuôi tại thành phố sau các chương trình tiêm chủng đã thực hiện.

Kết quả khảo sát hàm lượng kháng thể kháng dại trong 480 mẫu huyết thanh lấy ngẫu nhiên từ đàn chó đã tiêm chủng vacxin dại Rabigen®mono cho thấy có tới 65,42% số mẫu đạt mức kháng thể bảo hộ. Tuy nhiên hàm lượng kháng thể đo được ở từng cá thể dao động khá lớn (0,235 – 2,515), dẫn tới tỷ lệ này chưa đạt được ngưỡng quy định chung của miễn dịch quần thể. Ảnh hưởng của nhiều yếu tố tới hiệu quả miễn dịch sau tiêm chủng vacxin phòng bệnh dại ở chó đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập tới (Mansfield et al, 2004; Kennedy et al, 2007 và Berndtson et al, 2011). Bên cạnh chất lượng vacxin và quy trình tiêm chủng, còn có nhiều yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng tới đáp ứng kháng thể tạo thành sau tiêm chủng, trong đó có các yếu tố về tuổi, giới tính, giống chó và thời điểm lấy mẫu sau khi tiêm chủng vacxin.

Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy sự biến động về hàm lượng kháng thể đo được ngoài việc tùy thuộc vào thời gian lấy mẫu sau khi tiêm ngừa (bảng 5) còn chịu ảnh hưởng của những yếu tố khác như điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng ở các khu vực nuôi (bảng 1), độ tuổi (bảng 2) và giống chó nuôi (bảng 3). Ở trung tâm thành phố người dân có cuộc sống sung túc, chó nuôi chủ yếu là giống chó cảnh nhập ngoại, làm thú cưng nên được quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơnNgược lại, đa phần chó nuôi vùng ngoại thành là những giống chó bản địa, dùng để giữ nhà nên người dân thường không quan tâm tới việc tiêm phòng cho đàn chó, điều kiện vệ sinh và chăm sóc cũng kém hơn, nên ảnh hưởng lớn đến khả năng tạo kháng thể của chó. Do vậy đàn chó ở khu vực này có hàm lượng kháng thể kháng dại trung bình và tỷ lệ chó đạt mức kháng thể bảo hộ thấp nhất thành phố. Bên cạnh mức độ thành thục về mặt miễn dịch, theo nhận xét của chúng tôi, nguyên nhân làm cho chó nhỏ hơn 6 tháng tuổi có hàm lượng kháng thể thấp hơn chó trưởng thành  là do số lần được tiêm phòng ít hơn chó ở các lứa tuổi lớn hơn. Chó >12 tháng thường được tiêm phòng lặp lại nhiều lần hơn, do có đáp ứng trí nhớ miễn dịch nên có hàm lượng kháng thể và có tỷ lệ bảo hộ cao hơn nhiều. Ngoài ra, những chó non có thể còn hàm lượng kháng thể thụ động nên khi tiêm phòng sớm sẽ bị trung hòa một phần kháng nguyên vacxin  làm cho kháng thể sinh ra không đủ bảo hộ cho chó (Seghaier et al, 1999).

Kết quả khảo sát trên của chúng tôi hoàn toàn phù hợp với kết quả nghiên cứu của một số  tác giả khác. Mansfield et al (2004) đã kết luận rằng độ tuổi và nguồn gốc chó có ảnh hưởng lớn tới hàm lượng kháng thể đo được sau tiêm phòng. Kennedy et al (2007) cho rằng những chó < 1 năm tuổi có đáp ứng miễn dịch với vac-xin dại thấp hơn những chó trưởng thành. Jakel et al (2008) đã chứng minh những con chó non thường có hàm lượng kháng thể < 0,5 EU/ml (dưới mức bảo hộ) là do mới chủng ngừa 1 lần. Berndtsson et al (2011) thì  chứng minh rằng lượng kháng thể < 0,5 EU/ml  ở những chó < 6 tháng tuổi là do kháng nguyên bị trung hòa bới kháng thể mẹ truyền và chó ở  > 5 năm tuổi là do chó già đã suy giảm hệ miễn dịch. Kết quả khảo sát của chúng tôi cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của Delgado et al (1997), Manfield et al (2004) và Jakel et al (2008) về ảnh hưởng của giới tính trong đáp ứng miễn dịch vacxin dại. Cả 3 nhóm tác giả này đều cho rằng không có sự khác biệt về giới tính trong việc tạo kháng thể kháng dại. Điều này chứng tỏ giới tính không ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch đối với vacxin dại của chó đã được tiêm phòng. Về ảnh hưởng của thời điểm lấy mẫu, kết quả nghiên cứu của Tepsumethanon et al (1991) cho thấy rằng kháng thể xuất hiện vào ngày thứ 14 sau tiêm chủng vacxin và giảm nhanh trong vòng 60 ngày. Theo nghiên cứu của Seghaier et al (1999), sau khi tiêm phòng mũi đầu tiên (nếu không có sự tái chủng) thì hàm lượng kháng thể thấp không đủ bảo hộ cho chó. Kết quả nghiên cứu gần đây nhất ở trên chó với vacxin Duravax của Nguyễn Kim Dung và cs (2011) cũng đưa ra những nhận xét tương tự: hàm lượng kháng thể đạt mức cao nhất vào thời điểm 15 ngày sau tiêm chủng rồi giảm dần và chó trưởng thành (≥1 năm tuổi) có tỷ lệ bảo hộ cao nhất.

Từ những kết quả nghiên cứu ở trên cho thấy sự cần thiết phải quản lý chặt chẽ đàn chó sau tiêm chủng vacxin dại  để đảm bảo tiêm chủng vacxin dại ít nhất 2 lần cho những chó dưới 6 tháng tuổi và nghiêm chỉnh thực hiện quy trình tiêm chủng định kỳ mỗi năm hai lần như khuyến cáo hiện tại thì mới có thể  đảm bảo duy trì được tỷ lệ bảo hộ bệnh dại cần thiết trong đàn chó đã được tiêm chủng vacxin phòng bệnh.

 

IV. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ

Tỷ lệ đạt mức kháng thể bảo hộ trong tiêm phòng dại đại trà  cho đàn chó tại thành phố Cần Thơ bằng vacxin phòng dại Rabigen®mono (VIRBAC) là 65,42%, gần đạt  mức bảo quy định cho quần thể chó.

Đàn  chó đã tiêm phòng vacxin Rabigen®mono theo quy trình tiêm chủng hiện hành chỉ đạt ngưỡng bảo hộ chắc chắn trong khoảng thời gian 6 tháng sau tiêm chủng vacxin. Do đó, cần phải tiêm phòng lập lại cho đàn chó sau mỗi 6 tháng, đặc biệt là đảm bảo gây miễn dịch cơ sở 2 lần cho chó con dưới 6 tháng tuổi.

 

 

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Berndtsson L. T., Nyman A. K. J, Rivera E. and Klingeborn B. (2011). “Factors associated with the success of rabies vaccination of dogs in Sweden”, Acta. Vet.  Scan., 53(22), pp. 1186-1751
  2. Delgado S. and Carmenes P. (1997), “Immume response following a vaccination campaign against rabies in dogs from Northwestern Spain”, Prev. Vet.  Med., 31(3-4), pp.257-261.
  3. Nguyễn Kim Dung, Nguyễn Văn Thương, Trần Thị Mỹ Dung, Phan Xuân Thảo, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Thị Ngọc Điệp và Đặng Văn Hướng (2011). Hiệu quả gây đáp ứng kháng thể ở chó của vacxin dại bất hoạt dùng cho thú y sản xuất từ nuôi cấy tế bào. Tạp chí KHKT thú y, Tập XVIII, số 7-2011, 5-11.
  4. Mansfield K. L., Burr P. D., Snodgrass D. R., Sayers R. and Fooks A. R. (2004), “Factors affecting the serological response of dogs and cats to rabies vaccination”, Vet. Rec, 154(14), pp.423-426.
  5. Jakel V., Konig M., Cussler K., Hanschmann K., Thiel H. J. (2008), “Factors influencing the antibody response to vaccination against rabies”, Dev. Biol, 131, pp.431-437.
  6. Kennedy L. J., Lunt M., Barnes A., McElhinney L., Fooks A. R., Baxter D. N., Ollier W. E. R. (2007), “Factors influencing the antibody response of dogs vaccinated against rabies”, Vaccine, 25(51), pp.8500-8507
  7. Seghaier C., Cliquet F., Hammami S., Aquina T., Tlatli A. and Aubert M. (1999), “Rabies mass vaccination campaigns in Tunisia: Are vaccinated dogs correctly immunized”, Am. J. Trop. Med. Hyg, 61(6), pp.879-884.
  8. Tepsumethanon W., Polsuwan C., Lumlertdaecha B., Khawplod P., Hemachudha T., Chutivongse S., Wilde H., Chiewbamrungkiat M., Phanophak P. (1991), “Immume response to rabies vaccine in Thai dogs: a preliminary report”, Vaccine, 9(9), pp.627-630.
Các tin tức khác:
TIN TỨC ĐƯỢC QUAN TÂMXem thêm
k-sMaB5ltYI video2444
Làm đệm lót sinh thái chuồng trong chăn nuôi gà
Chọn liên kết website
Đăng ký nhận tin
Đăng ký
Bản quyền website thuộc về HỘI LIÊN LẠC VỚI NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI. bảo lưu mọi quyền lợi.
Đang online: 2
|
Tổng số truy cập: 1.640.276
TẠP CHÍ KHOA HỌC KỸ THUẬT THÚ Y
Địa chỉ: 86 Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (04) 3869 1082  - Email: vva.hty@gmail.com - Website: tapchi.hoithuyvietnam.org.vn
 
 
CHIA SẺ MẠNG XÃ HỘI
Thiết kế website SEO - Tất Thành